Ưu và nhược điểm của PHP Trong Ngôn Ngữ Lập Trình

Ưu điểm

Khả năng tương thích cực tốt với các máy chủ, hosting chạy hệ điều hành Linux

Nếu bạn đã từng có kinh nghiệm làm việc hay đã từng nghe về những chủ đề liên quan đến máy chủ, ắt hẳn cũng nhận thấy rằng các lập trình viên, cá nhân hoặc doanh nghiệp thường ưu tiên chọn máy chủ, hosting chạy hệ điều hành Linux để làm nơi chứa và vận hành cho các website hay phần mềm. Sự ưu tiên này đến từ việc các hệ điều hành Linux (Centos, Ubuntu…) khá gọn nhẹ, tối giản, yêu cầu cấu hình thấp nhưng lại có tính bảo mật rất cao, từ đó khiến nó phù hợp để làm hệ điều hành cho các máy chủ của những cá nhân hay doanh nghiệp nhỏ.

Ngoài ra, các phần mềm quản trị server/hosting nổi tiếng như Cpanel, DirectAdmin, Plesk đều có giao diện tùy chỉnh cấu hình chạy PHP như phiên bản PHP, PHP Handler, PHP Extensions, php.ini… để giúp các lập trình viên có thể dễ dàng upload và cài đặt source code của mình.

Hiệu năng và tính bảo mật ngày càng được cải thiện

Các phiên bản mới của PHP luôn được công bố hàng năm với những cải thiện mới về hiệu năng và bảo mật. Bên đó, sự xuất hiện của các PHP Extension như OPcache giúp các sản phẩm được lập trình bởi PHP có tốc độ xử lý cực kỳ nhanh và ổn định.

Laravel Framework và Laravel Ecosystem (Hệ sinh thái Laravel)

Từ trước đến nay, có rất nhiều PHP Framework đã và đang tồn tại. Theo khảo sát đến năm 2021, có khoảng gần 50 framework đã được công bố đến cộng đồng lập trình viên. Nhưng có lẻ cái tên sáng giá nhất gần đây chính là Laravel. Điều khiến Laravel trở nên hấp dẫn chính là thiết kế tối giản những không sơ sài, chặt chẽ nhưng không cứng nhắc. Bên cạnh đó, sự ra đời của những server, hosting được thiết kế tối ưu cho laravel (Vapor, Forge, Envoyer…), kho thư viện vendor (plugin) dành cho Laravel (Socialite, Cashier…) đã tạo nên một Laravel Ecosystem cực kỳ hữu dụng cho cộng đồng lập trình viên, giúp người lập trình có thể tạo ra những sản phẩm lập trình mang tính phức tạp cao một cách dễ dàng trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, các sản phẩm trong hệ sinh thái Laravel còn được duy trì, phát triển và cập nhật bởi cộng đồng sử dụng nó.

Có thể tương thích với nhiều nền tảng cơ sở dữ liệu

Ngoài MySQL, PHP có thể tương thích với nhiều nền tảng database khác như Oracle, SQLite, SYBASE, PostGreSQL, IBM-DB2.

Có thể viết ngôn ngữ khác trong file .php

Nếu các bạn đã từng tìm hiểu về cú pháp tổng quát của PHP, chắc chắn các bạn sẽ nhận thấy rằng bạn hoàn toàn có thể viết những dòng code của một ngôn ngữ khác trên chính file .php, nhờ cơ chế PHP tag. Cụ thể PHP chỉ xử lý các câu lệnh (statement) nằm bên trong PHP tag. Những dòng code bên ngoài PHP tag sẽ không tham gia vào quá trình xử lý mà lại được PHP trả về nguyên vẹn. Điều đó giúp ta có thể tạo nên những trang HTML hay tập tin CSS ngay trên chính file .php.

Nhược điểm

Syntax (cú pháp) phức tạp hơn so với những ngôn ngữ cùng loại khác

So với những ngôn ngữ cùng loại khác như Python, Javascript hay Ruby thì cú pháp của PHP tương đối phức tạp hơn, từ đó khiến nó kém thân thiện hơn trong quá trình học, làm quen và sử dụng. Ngoài ra, mỗi framework lại tạo ra những cú pháp riêng, khiến cho việc học PHP vốn đã tốn nhiều thời gian, nay số thời gian ấy còn nhân lên gấp bội.

PHP có thể ngốn RAM và CPU nếu bạn không biết cách tối ưu code

Trong trường hợp bạn không biết cách tối ưu code PHP của mình, khiến nó phải xử lý nhiều hơn mức cần thiết, PHP có thể sẽ chiếm dụng một nguồn tài nguyên lớn của máy tính, server trong suốt quá trình xử lý. Ví dụ, một lập trình viên có thể vô tình tạo nên một vòng lặp với số lần lặp quá lớn, hay tải một lượng dữ liệu quá khủng so với mức cần thiết từ database… từ đó khiến máy tính/máy chủ xử lý rơi vào trạng thái đầy RAM hoặc đầy CPU (100% CPU). Thông qua đây, những người chủ/quản lý server cung cấp shared hosting cần thiết lập các giới hạn tài nguyên để đảm bảo server của mình không bị rời vào tình trạng quá tải (full load) thường xuyên.

Hỗ trợ realtime kém hơn so với NodeJS và Ruby

Mặc dù đến nay, lập trình viên có thể tạo ra các sản phẩm với tính năng realtime (livestream, chat, quản lý công việc thời gian thực…) bằng PHP, tuy nhiên, để làm được điều đó thì lập trình viên cần trải qua một quá trình tương đối dài và phức tạp. Trong khi đó, lập trình viên có thể làm được điều tương tự một cách đơn giản và gọn gàng hơn với NodeJS và Ruby.

Trên đây là những ưu và nhược điểm của PHP mà hoccode.org cho rằng chúng tác động lớn đến quyết định lựa chọn ngôn ngữ lập trình trong thời điểm năm 2021. Nếu các bạn có ý kiến đóng góp, bổ sung hay phản biện nào về những ưu và nhược điểm này, hãy để lại bình luận (comment) bên dưới nhé. Nếu các bạn cảm thấy nội dung bài viết hay và hữu ích, hãy để lại 1 like, share hoặc đánh giá để hoccode.org có thêm động lực cho ra những bài viết tốt hơn nhé.

>> Tham Khảo : Giới thiệu về Series PHP & MySQL căn bản | Bài mở đầu

5/5 - (1 bình chọn)
Next Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You might also like