Kinh nghiệm khi mua laptop để học lập trình trong năm 2023

Đây là những lời khuyên đút kết từ những kinh nghiệm mà mình đã có (thực ra là từ những lần mất tiền “ngu”) để các bạn có được những cái nhìn đúng đắn nhất, thiết thực nhất, khả năng giữ đầu óc bình tĩnh khi lựa chọn mua một chiếc laptop mới cho mình.

Năm mới 2021 đã đến rồi, và nhu cầu mua sắm laptop cũng tăng cao vào thời điểm này. Và nếu bạn đang dự định mua một chiếc laptop mới cho việc học lập trình, hãy xem qua những lời khuyên của mình trước khi quyết định nhé.

Còn chần chờ gì nữa, cùng bắt đầu thôi!

Lời khuyên #1: Không có chiếc laptop nào có thể sử dụng được lâu dài!

“Anh/chị nên chọn chiếc laptop B thay vì A, mặc dù giá cao hơn nhưng đảm bảo có thể sử dụng được lâu dài!”. Đó là những lời tư vấn thường được nghe bởi những nhân viên bán hàng tại các cửa hàng. Laptop có thể sử dụng được lâu dài? Hãy quên điều đó đi, trừ phi là bạn mua một bộ PC! Và mình sẽ giải thích rõ như sau:

  • Vòng đời của các sản phẩm công nghệ đang ngày càng ngắn dần: Có thể dễ thấy rằng các hãng công nghệ đều tung ra ít nhất 1 sản phẩm phiên bản mới qua mỗi năm. Các hãng phần cứng thì cho ra các mẫu chip CPU mới, ổ cứng mới, hay những chiêc laptop mới với những nâng cấp trong cấu hình. Các hãng phần mềm thì cho ra hệ điều hành phiên bản mới, phần mềm ứng dụng mới… Và hầu hết, sự nâng cấp, cập nhật về phần mềm đều đòi hỏi sự nâng cấp về phần cứng. Là một lập trình viên, liệu bạn có chấp nhận sử dụng hệ điều hành, phần mềm đã lỗi thời nhiều năm?
  • Việc nâng cấp, thay thế phần cứng trên laptop đang ngày càng khó khăn: Các mẫu laptop ngày nay được thiết kế ngày càng tinh vi nhằm mục đích đạt được tiêu chí mỏng, gọn. Điều đó dẫn đến việc rất khó để bạn có thể nâng cấp thêm RAM, ổ cứng, card đồ hoạ giống như trước đây. Chưa kể đến những mẫu laptop cao cấp như Macbook, Surface còn bị hàn cứng các thanh RAM, khiến cho việc nâng cấp trên laptop vốn đã khó, nay còn khó hơn.

Chính vì thế, đừng chọn một chiếc laptop vì một lý do phi thực tế này. Thay vào đó, hãy hướng qua một lý do thực tế hơn: Nó có thể phục vụ tốt nhu cầu của mình trong bao lâu trước khi bạn có đủ khả năng mua một chiếc laptop mới?

Lời khuyên #2: Cấu hình laptop chỉ mang tính chất tham khảo.

Nhiều trường hợp chúng ta bị thông số cấu hình của chiếc laptop đánh lừa. Một chiếc laptop được trang bị chip CPU mạnh chưa chắc đã chạy nhanh hơn. Hay một chiếc laptop khác với RAM nhiều hơn chưa chắc có thể chạy được những ứng dụng nặng. Bởi hiệu năng của một chiếc laptop còn tuỳ thuộc vào cách thiết kế bên trong của nó, cách mà các linh kiện được sắp xếp, kết nối với nhau. Ví dụ, có những chiếc laptop được trang bị chip Intel thế hệ mới nhất nhưng lại gặp vấn đề về tản nhiệt, dẫn đến throtling liên tụt khiến hiệu năng bị sụt giảm đáng kể. (Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc laptop gaming lại có thiết kế dày cộm).

Chính vì thế, thay vì so sánh các chỉ số trong cấu hình, hãy tìm hiểu xem liệu cấu hình đó được thiết kế bên trong chiếc laptop đó có mang lại trải nghiệm tốt, thông qua các bài viết, video review đánh giá về chiếc laptop đó.

Lời khuyên #3: Hãy ưu tiên laptop có trang bị SSD dung lượng lớn

Đặc thù của công việc lập trình là làm việc với số lượng lớn các file code cùng một lúc. Một dự án (project) trong lập trình có thể có đến hàng trăm nghìn file code. Chính vì thế, việc sở hữu một laptop có SSD dung lượng cao sẽ giúp cải thiện tốc độ tìm file, mở file, lưu file… hay nói đúng hơn là tăng hiệu quả công việc lên rất nhiều.

Lời khuyên #4: Luôn chú ý số lượng các cổng kết nối

Đây là một yếu tố thường bị bỏ qua bởi những người mua laptop. Không ít bạn đã bị hố khi chi toàn bộ ngân sách vào chiếc laptop (thậm chí mượn người thân, bạn bè) để rồi ngỡ ngàng rằng chiếc laptop của bạn không thể kết nối với máy chiếu của lớp học, hay chiếc USB A chứa những dữ liệu mà mình vẫn sử dụng trước giờ. Để rồi lúc đó, bạn phải chi thêm một khoảng tiền nữa để mua các Adapter (cổng chuyển).

Lời khuyên #5: Mua macbook đồng nghĩa với việc bạn khó có thể chơi game

Mặc dù bản thân mình là 1 fan của dòng Macbook, nhưng nó vẫn tồn tại nhiều điểm yếu chí mạng và một trong số đó là game. Hầu hết các tựa game trên PC đều không thể chạy trên hệ điều hành MacOS. Một trong số chúng thì có thể chạy được, nhưng hiệu năng thì rất kém so với bản thân con game đó được chạy trên Windows.

Chính vì thế, hoặc là bạn không thích chơi game, hoặc là bạn cần học những môn bắt buộc phải dùng MacOS (lập trình trên Xcode), hay bạn là 1 iFan chính hiệu, thì mới nên mua Macbook. Nếu không thì hãy cân nhắc kỹ về điểm yếu này của Macbook.

Lời khuyên #6: Luôn ưu tiên chọn những cửa hàng, đại lý uy tín

Để mua một chiếc laptop ưng ý, chắc chắn bạn phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ. Chính vì thế, hãy chọn những cửa hàng, đại lý có uy tín trong ngành bán lẻ, có chính sách mua hàng, bảo hành, đổi trả rõ ràng. Vì không ít các trường hợp người mua laptop đã phải ngậm đắng khi mua trúng hàng fake, hàng tân trang hoặc các thể loại hàng đểu khác.

Lời khuyên #7: Nếu mẫu laptop mà bạn chọn đã hết hàng, đừng vội mua một mẫu khác nếu chưa có sự nghiên cứu kỹ càng.

Có rất nhiều trường hợp người mua dù đã nghiên cứu rất kỹ, xem rất nhiều bài viết, video đánh giá về một chiếc laptop nhưng khi ra đến cửa hàng, mẫu laptop đó lại hết hàng. Nhưng trớ trêu rằng, họ đã vội chọn mua một mẫu khác mà họ chưa hề tìm hiểu kỹ theo lời tư vấn của nhân viên cửa hàng, rồi hối hận chỉ sau một thời gian ngắn. Chính vì thế, trước khi ra cửa hàng để mua mẫu laptop mà bạn muốn, hãy liên hệ cửa hàng đó (qua điện thoại, facebook…) để hỏi về tình trạng sản phẩm đó. Nếu bạn kỹ tính hơn, hãy tìm và chọn thêm 2 cửa hàng khác có bán sản phẩm đó, hoặc nghiên cứu thêm 1 hoặc 2 mẫu laptop khác để dự phòng để trong trường hợp hết hàng, bạn vẫn có giải pháp backup.

Nếu trong tình huống xấu nhất rằng bạn chỉ biết một cửa hàng bán mẫu laptop đó và nó đã hết hàng, hãy hỏi nhân viên bán hàng về thời điểm sớm nhất mà hàng sẽ nhập về. Hầu hết các trường hợp hàng mới mà họ nhập về đều chỉ trong 1 – 2 tuần. Trong khoảng thời gian chờ đợi, bạn có thể tìm thêm những cửa hàng khác có bán mẫu laptop đó, hoặc nghiên cứu về những mẫu laptop thay thế khác.

Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn, và mình tin rằng sự kiên nhẫn đó sẽ được đền đáp một cách xứng đáng!

Lời khuyên #8: Đừng quá tin vào lời của nhân viên bán hàng

Ở đây mình không “cực đoan hoá” rằng những lời tư vấn của nhân viên bán hàng đều không đáng tin cậy. Vẫn có những nhân viên bán hàng rất có tâm, cực kỳ am hiểu về thị trường laptop. Nhưng đáng tiếc thay đó chỉ là thiểu số. Bạn sẽ vẫn cần đến sự tư vấn của nhân viên về giá, chính sách bảo hành… Tuy nhiên, những sự tư vấn liên quan đến việc lựa chọn mẫu laptop chỉ mang tính chất tham khảo.

Hãy nhớ rằng chỉ có bạn (hoặc cả người thân cho bạn tiền để mua) là người duy nhất chịu trách nhiệm cho quyết định của bạn, còn nhân viên bán hàng thì không!

Rate this post
Next Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You might also like