Những điều cần lưu ý khi nhập môn lập trình

Cùng bắt đầu tìm hiểu thôi!

1. Cần trang bị cho bản thân phương pháp học chủ động

Tính đặc trưng của những môn học lập trình là lượng kiến thức khổng lồ luôn được cập nhật liên tục. Chính vì vậy, để có thể đạt được hiệu quả cao trong quá trình học tập, người học cần phải có những phương pháp học chủ động thay vì chỉ thụ động ngồi chờ người khác giảng dạy.

Một số phương pháp học chủ động phổ biến là:

    • Tham khảo các series bài giảng Online: Ngày nay, có khá nhiều series bài giảng dưới dạng văn bản và video (miễn phí/có phí) trên Internet cung cấp các kiến thức cơ bản và nâng cao về một loại ngôn ngữ lập trình nhất định, hay cách để tạo ra một sản phẩm lập trình (website, phần mềm, app di động, game…)
    • Tham khảo các trang Documentation: Các Framework (Laravel, Zend, ExpressJS, jQuery, Bootstrap…) đều có một website để các lập trình viên tra cứu cách sử dụng (thường được gọi là trang Documentation) được cập nhật liên tục. Chính vì thế, nếu bạn đang học bất kỳ một Framework nào, hãy tận dụng trang Documentation của Framework đó để có được những kiến thức, thông tin chính xác và mới nhất.
    • Tham gia thực hiện các dự án thực tế: Nếu bạn có thời gian, bạn có thể cân nhắc tự thực hiện hay tham gia một dự án thực tế liên quan đến ngôn ngữ lập trình mà mình đang học. Dù là một công đoạn nhỏ của dự án nhưng nó sẽ mang đến cho bạn những kinh nghiệm vô cùng quý báu, thứ mà các nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi ở các ứng viên.

2. Cần trau dồi khả năng tiếng Anh

Chắc hẳn bạn đã từng nghe đâu đó về lời khuyên rằng “hãy trau dồi khả năng tiếng Anh nếu muốn trở thành một lập trình viên giỏi”. Và dĩ nhiên mình cũng đồng tình với lời khuyên đó. Sau đây mình sẽ liệt kê những lợi ích khi lập trình viên có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt:

  • Khả năng ghi nhớ syntax (cú pháp) tốt hơn: Hầu hết các ngôn ngữ lập trình đều sử dụng Tiếng Anh để xây dựng cú pháp. Ví dụ như trong HTML, thẻ <ul></ul> được xây dựng từ chữ cái đầu của cụm từ unordered list (danh sách không đánh dấu thứ tự) và thẻ <li></li> được xây dựng từ chữ cái đầu của cụm từ list item (mục lục), hay trong PHP, các câu lệnh như if, for, foreach, while, switch… cũng là những từ ngữ trong Tiếng Anh.
  • Khả năng đọc hiểu tốt hơn & tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu hơn: Hầu hết các trang tài liệu, giáo trình hướng dẫn về lập trình nổi tiếng trên thế giới đều được xây dựng bằng Tiếng Anh. Chỉ rất ít trong số đó là được dịch lại sang Tiếng Việt, nhưng lại gặp phải rất nhiều bất cập về dịch thuật, cũng như hiếm khi được cập nhật mới theo nguồn tài liệu gốc. Do đó, việc trang bị cho mình một khả năng Tiếng Anh tốt sẽ giúp bạn có thể đọc hiểu và tiếp cận được những thông tin mới nhất trong thế giới lập trình. Ngoài ra, bạn cũng có thể post các câu hỏi bằng Tiếng Anh lên các website chuyên trả lời thắc mắc về lập trình như stackoverflow để được giải đáp bởi cộng đồng lập trình viên trên toàn thế giới.
  • Thuận tiện hơn khi giao tiếp trong công việc: Rất nhiều công ty phần mềm tại Việt Nam là công ty nước ngoài, và việc giao tiếp đôi khi sẽ sử dụng Tiếng Anh là chủ yếu. Do đó bạn sẽ không bị các rào cản ngôn ngữ làm khó khăn khi giao tiếp nếu bạn giỏi Tiếng Anh. Ngoài ra, các lập trình viên giỏi Tiếng Anh thường được ưu tiên hơn trong vấn đề bổ nhiệm làm những vị trí cao trong công ty.

3. Luôn cập nhật kiến thức mới thường xuyên

Không giống như Y học, Văn học, Hoá học… khi kiến thức của những ngành học này có thể được sử dụng trong thời gian rất lâu (thậm chí cả trăm năm), các kiến thức của ngành lập trình có vòng đời rất ngắn. Những kiến thức bạn về một ngôn ngữ lập trình nào đó bạn được học hôm nay có thể lỗi thời trong vòng vài tháng sắp tới, bởi một điều rất đơn giản, thế giới công nghệ luôn đổi mới. Chính vì thế, việc cập nhật các kiến thức mới, các cú pháp mới, phiên bản ngôn ngữ lập trình hay framework mới là thiết yếu nếu bạn muốn tồn tại lâu dài trong ngành lập trình.

4. Hãy bình tĩnh để có thể phân tích và sửa lỗi code.

Người Việt Nam thường có câu “quá tam ba bận”, thế nhưng trong ngành lập trình ta nên nhân con số 3 với 10 lần (là 30) để ra số lần lỗi code trung bình khi lập trình viên thực hiện dự án hay chỉ đơn giản là làm bài tập. Hãy luôn nhớ rằng không có lỗi code nào là không giải quyết được, và vấn đề chỉ nằm ở thời gian. Và trước tiên, bạn phải luôn giữ bình tĩnh! Việc giữ cho trạng thái tâm lý bình tĩnh sẽ giúp bạn có thể phân tích được những nguyên nhân dẫn đến lỗi code, từ đó có được phương pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề đang gặp phải.

“Không có một ai chỉ mới học lý thuyết mà có thể viết code đúng 100%. Hãy làm quen với lỗi code và cố gắng tự mình giải quyết nó. Mỗi khi bạn giải quyết đuợc một lỗi code nghĩa là bạn đã có thêm được một kinh nghiệm quý giá.” – Góc nhìn của tác giả.

>> Tham Khảo : 5 bước chuẩn bị giúp các DEV tăng 200% hiệu quả công việc

5. Luôn giữ lối tư duy mở & tích cực

Đôi khi các lập trình viên thường sa vào những trạng thái tâm lý cực đoan. Ví dụ khi bạn nghe về một để xuất ý tưởng mới từ khách hàng, đồng nghiệp, cấp trên cho dự án phần mềm, website mà bạn đang thực hiện, bạn vội lập tức từ chối (ý tưởng đó không khả thi đâu, không ai thực hiện được điều đó đâu…) mà chưa hề suy ngẫm hay suy xét lại. Là một lập trình viên lâu năm từng tham gia vào rất nhiều dự án, mình đã từng chứng kiến rất nhiều ý tưởng đưa ra bị từ chối lúc ban đầu, nhưng sau đó không lâu, khi suy xét lại thì hơn 50% ý tưởng đó đều có thể thực hiện được. Do đó, là người làm trong ngành công nghệ, bạn nên luôn giữ lối tư duy mở để có thể phát triển bản thân xa hơn.

6. Đừng lạm dụng việc thức khuya

Các bài tập, dự án website, phần mềm… đôi khi đòi hỏi chúng ta phải thức khuya hay thậm chí làm việc xuyên đêm để có thể hoàn thành nó. Tuy nhiên, việc lạm dụng thức khuya sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tạo nguy cơ xuất hiện của những căn bệnh tiềm ẩn, trong đó nguy hiểm nhất là ung thư và đột quỵ. Khoảng thời gian cho giấc ngủ buổi tối là lúc cơ quan trong cơ thể thực hiện các công việc quan trọng như giải độc tố, tái tạo tế bào… Chính vì thế, nếu không cần thiết, hãy đi ngủ sớm để có sức khoẻ tốt cho công việc vào ngày mai.

7. Ăn uống đầy đủ và thường xuyên tập thể dục

Việc ngồi quá lâu trước máy tính sẽ khiến sức khoẻ suy giảm. Chính vì thế, để cơ thể bạn có đủ sức cho một quá trình học tập và làm việc lâu dài, bạn cần có một chế độ ăn uống hợp lý cũng như dành thời gian cho các hoạt động thể dục thể thao. Ở đây, mình không bắt buộc những món phải có trong khẩu phần ăn, bởi nó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, tuy nhiên, việc ăn uống cần đầy đủ các chất thiết yếu như protein, chất xơ, tinh bột, béo, canxi, vitamin… và quan trọng nhất là không được bỏ bữa (ăn uống thất thường). Việc thường xuyên bỏ bữa ăn sẽ gây nguy cơ viêm loét dạ dày, cũng như suy nhược cơ thể. Bên cạnh đó, hãy dành một chút thời gian cho hoạt động thể dục, thể thao, từ những động tác đơn giản như Squat, hít đất, chạy bộ… đến việc chơi một môn thể thao mà bạn yêu thích (bóng đá, bóng rỗ, cầu lông, bơi lội…) để giúp cơ thể của bạn luôn ở trạng thái tốt nhất cho công việc.

“Là một lập trình viên, hãy biết quý trọng sức khoẻ của bạn!” – Góc nhìn của tác giả

Nếu các bạn có bất kỳ góp ý nào khác về những lưu ý khi làm nghề lập trình, hãy chia sẻ cho chúng tớ biết thông qua bình luận (comment) bên dưới nhé. Nếu bạn thấy bài viết hay, hãy cho chúng tớ 1 like, share hoặc đánh giá để tiếp thêm động lực cho đội ngũ biên tập chúng tớ nhé!

Chúc các bạn có một ngày làm việc và học tập hiệu quả!

Rate this post
Next Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You might also like