Môi trường hoạt động và cú pháp tổng quát của PHP | Series PHP & MySQL căn bản | Bài 2

Chào mừng các bạn đã đến với bài giảng tiếp theo của series PHP & MySQL căn bản!

Trong bài giảng trước ta đã tìm hiểu về biết được PHP là gì, cũng như ngôn ngữ này được dùng vào những mục đích gì. Trong bài giảng này, ta sẽ tìm hiểu về cách mà PHP có thể hoạt động, cụ thể là môi trường hoạt động và cú pháp tổng quát của nó.

Không làm mất nhiều thời gian của các bạn nữa, chúng ta cùng bắt đầu thôi!

Môi trường hoạt động của PHP

Môi trường để PHP có thể hoạt động cần có 3 thành tố sau:

Phần mềm phiên dịch PHP (PHP Parser): Bản thân hệ điều hành máy tính (máy tính cá nhân hay máy chủ/server) không thể đọc, hiểu và xử lý các đoạn code PHP. Chính vì vậy, cần có một phần mềm để phiên dịch lại. Và dĩ nhiên, nhà phát triển phần mềm này cũng chính là nhà phát triển của loại ngôn ngữ mã nguồn mở này. Các lập trình viên có thể tải về phần mềm phiên dịch PHP trên trang web chính thức www.php.net

Phần mềm cơ sở dữ liệu: Code PHP có thể hoạt động mà không cần đến cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, việc thiếu vắng cơ sở dữ liệu sẽ khiến cả quá trình lập trình trở nên khó khăn, cũng như sản phẩm được tạo ra không có khả năng cập nhật và lưu trữ dữ liệu mới, chính vì thế, code PHP luôn cần kết nối với một cơ sở dữ liệu. Chính vì thế, bạn sẽ cần một phần mềm để có thể cung cấp các tính năng liên quan đến xây dựng, kết nối và tương tác với cơ sở dữ liệu. Ở thời điểm hiện tại, PHP có thể làm việc tốt với hầu hết các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nổi tiếng như Oracle và Sybase, nhưng trên hết vẫn là Mysql – lựa chọn ưu tiên hàng đầu khi sử dụng PHP.

Phần mềm Web server: Mặc dù không cần đến Web server, code PHP vẫn có thể hoạt động trên Terminal (giao diện thao tác bằng lệnh trên các hệ điều hành Linux) hay Cmd (giao diện thao tác bằng lệnh trên các hệ điều hành Windows). Tuy nhiên nếu chỉ dừng ở đó, code PHP chỉ có thể xử lý các tương tác của người lập trình và sản phẩm của nó chẳng thể nào tiếp cận người dùng. Chính vì thế, PHP cần một Web Server đóng vai trò là cây cầu kết nối giữa người dùng và PHP. PHP có thể làm việc với các phần mềm web server phổ biến hiện nay như Apache (lựa chọn hàng đầu cho PHP), Nginx, Microsoft’s Internet Information Server…

Cú pháp tổng quát của PHP

Nếu phân tích một cách chi tiết và cụ thể về cú pháp của PHP thì sẽ cần đến hàng trăm bài giảng mới có thể miêu tả hết. Tuy nhiên, xét về mặt tổng quát thì cú pháp sẽ luôn tuân theo các quy tắc sau đây:

Quy tắc 1: các đoạn mã code PHP sẽ luôn được lưu trên một hay nhiều tập tin có phần mở rộng là .php

Quy tắc 2: các đoạn mã code PHP sẽ luôn được đặt bên trong một cặp PHP tag: <?php  ?>, trong đó <?php là thẻ mở và ?> là thẻ đóng.

Ví dụ:

<?php echo 'Hello World'; ?>
<?php
  $a = 10;
  $a = $a*5/2;
  echo $a
?>

Quy tắc 3: những dòng code bên bên ngoài PHP tag sẽ không tham gia vào quá trình xử lý. Trong trường hợp file PHP được lập trình có nhiệm vụ trả về dữ liệu cho người dùng thì dữ liệu trả về sẽ bao gồm nguyên văn code bên ngoài PHP tag kết hợp với dữ liệu đã được xử lý bên trong PHP tag.

Điều này có nghĩa là bạn có thể viết text hoặc code của một ngôn ngữ khác (Ví dụ HTML, CSS…) bên ngoài PHP tag. Đây cũng là một trong những lý do khiến PHP rất được ưa chuộng trong việc lập trình và phát triển website.

Ví dụ:

Source code của file home.php Kết quả phản hồi của file home.php sau quá trình xử lý
<?php
    $title = "Cú pháp tổng quát của PHP";
    $content = "Hôm nay tôi học về cú pháp tổng quát của PHP";
?>
<html>
   <head>
        <title><?php echo $title; ?></title>
   </head>
   <body>
         <p><?php echo $content; ?></p>
   </body>
</html>
<html>
   <head>
        <title>Cú pháp tổng quát của PHP</title>
   </head>
   <body>
         <p>Hôm nay tôi học về cú pháp tổng quát của PHP</p>
   </body>
</html>

Quy tắc 4: nếu trong trường hợp một PHP tag không có thẻ đóng, thì vùng xử lý code PHP sẽ được tính từ vị trí thẻ mở kéo dài liên tục đến tận cùng.

Ví dụ:

<p>This is a sample paragraph</p>
<?php
   $a = 5;
   $b = $a*2/3;
   echo $b;
   $c = "Basic PHP";
   // Bên dưới vẫn là vùng xử lý code PHP

Quy tắc 5: Giống như những ngôn ngữ kịch bản khác (vd: Javascript), thành phần cơ bản cấu tạo nên một đoạn code PHP chính là statement (câu lệnh). Mỗi câu lệnh sẽ có tác dụng thực thi một hành động nhất định theo ý đồ của lập trình viên. Kết thúc mỗi câu lệnh là một dấu chấm phẩy (;).

Quy tắc 6: Lập trình viên có thể thêm vào php code những dòng comment để đánh dấu hay ghi chú. Nội dung comment sẽ không tham gia vào quá trình xử lý code PHP. Cú pháp comment của PHP tương tự như Javascript:

// Nội dung comment

Ví dụ

<?php
   $a = 5; // Đây là statement thứ nhất
   $b = $a*2/3;
  // Đây là statement thứ hai
   echo $b;
  // Đây là statement thứ ba

Trình tự xử lý của PHP

Tương tự như Javascript, các đoạn mã PHP sẽ được xử lý theo thứ tự của các PHP statement. Statement nào đứng trước sẽ được xử lý trước, theo chiều từ trên xuống dướitừ trái qua phải. Trong trường hợp lỗi phát sinh ở một statement nào đó, PHP sẽ lập tức ngừng xử lý file PHP đó và các statement phía sau statement lỗi sẽ không được xử lý.

Và nội dung của bài giảng đến đây cũng đã kết thúc rồi. Nếu các bạn có thắc mắc hay ý kiến đóng góp nào, hãy để lại bình luận phía bên dưới nhé. Nếu các bạn thấy nội dung bài giảng hay và hữu ích, hãy để lại 1 like, share hoặc đánh giá để ủng hộ tinh thần cho đội ngũ biên tập của hoccode.org nhé.

>> Tham Khảo : Hướng dẫn cài đặt Xampp để tạo môi trường chạy code PHP | Series PHP & MySQL căn bản | Bài 3

5/5 - (1 bình chọn)
Next Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You might also like