Javascript là gì? | Series Javascript căn bản | Bài 1

Tổng quan về Javascript

Javascript là gì?

Từ trước đến nay có khá nhiều nguồn tài liệu về khái niệm Javascript, tuy nhiên trong bài giảng này, hoccode.org sẽ đưa ra một khái niệm riêng, theo phong cách đơn giản và dễ hiểu nhất.

Javascript, nếu phân tách thuật ngữ này, chúng ta sẽ có java + script. Bản thân từ script mang ý nghĩa ám chỉ “kịch bản”. Chính vì vậy Javascript là một loại ngôn ngữ kịch bản, được xử lý bởi trình duyệt web hay máy chủ (server), giúp một website hay phần mềm hoạt động theo kịch bản được soạn bởi lập trình viên, cũng như tham gia vào quá trình xử lý các tương tác giữa người dùng và website/phần mềm.

Để dễ hiểu hơn bạn có thể xem ví dụ sau:

Bạn Nam đang viết một trang web về cách nấu một món ăn, và muốn đưa vào một kịch bản chương trình rằng, nếu người xem trượt đến cuối nội dung của trang đó, một hộp thoại chứa Form (mẫu điền thông tin) sẽ hiện ra dưới dạng Popup để người dùng điền vào và gửi về cho Nam. Chính vì thế, Nam cần đến Javascript để biên soạn kịch bản dưới dạng ý tưởng thành một kịch bản mà phần mềm máy tính có thể hiểu và xử lý.

Đến nay, Javascript được chia thành 2 nhánh chính là Client-Side Javascript và Server-side Javascript.

Các đoạn code Javascript thường được lưu vào tập tin có phần mở rộng là .js hoặc .min.js (Ví dụ: my-scripts.js)

Javascript thường được gọi tắt là JS.

Client-side Javascript

Client-side Javascript là gì?

Client-side Javascript là các đoạn mã Javascript chạy trực tiếp trên website hay phần mềm trên thiết bị của người dùng. Trong lập trình website, các đoạn mã Client-side Javascript sẽ được đọc và xử lý bằng trình duyệt web (giống như HTML & CSS). Do Client-side Javascript không thể hoạt động độc lập, mà cần phải thông qua một trang HTML, do đó, có thể xem Client-side Javascript là một tính năng bổ sung cho HTML.

Client-side Javascript thường xuất hiện dưới dạng Internal Javascript (các đoạn mã bên trong cặp thẻ <script></script> trên trang HTML) hoặc External Javascript (các đoạn mã bên trong một file riêng biệt có phần mở rộng là .js).

So với Server-side Javascript thì Client-side Javascript được sử dụng phổ biến hơn nhiều, và trong nhiều trường hợp, ta có thể ngầm hiểu rằng Javascript = Client-side Javascript. Và tất nhiên, trong series Javascript căn bản, ta chỉ tập trung tìm hiểu về Client-side Javascript.

Những ứng dụng phổ biến của Client-side Javascript

Là cơ sở để người lập trình có thể xây dựng nên những website có khả năng tương tác với người dùng

Giúp người lập trình tạo ra những hiệu ứng đẹp mắt cho website

Cung cấp thêm giải pháp giúp website có khả năng responsive

Giúp website có khả năng gửi và nhận dữ liệu mà không cần load lại trang

Giúp nhà phát triển có thể kiểm soát hoạt động của người dùng trên website

Server-side Javascript

Server-side Javascript là gì?

Mãi đến 27/05/2009 khi NodeJS xuất hiện, khái niệm Server-side Javascript mới được ra đời. Server-side Javascript là các đoạn mã Javascript được xử lý bằng các máy chủ (thay vì xử lý trên phần mềm máy tính của người dùng), và được sử dụng để xây dựng các hệ thống back-end, tương tác với các cơ sở dữ liệu cho các website, phần mềm.

Cũng sau thời điểm NodeJS được giới thiệu đến cộng đồng lập trình, cùng với mongoDB, ngày càng có nhiều dự án sử dụng Javascript để xây dựng các hệ thống back-end, thay cho PHP, ASP.net…

Như vậy, chúng đa đã cùng tìm hiểu sơ lược qua các khía cạnh tổng quan về Javascript. Nếu bạn dự định trở thành 1 lập trình viên chuyên về website, hay các app real-time (thời gian thực), thì hãy học ngay ngôn ngữ này, vì càng ngày càng có nhiều công ty doanh nghiệp rất cần các lập trình viên giỏi về Javascript đấy.

Học tập & nghiên cứu Javascript

Có nên học Javascript?

Theo thống kê từ Github, Javascript đứng đầu danh sách Top 10 các ngôn ngữ lập trình được sử dụng phổ biến trong 3 năm liên tiếp (2018, 2019 và 2020). Điều đó cho thấy sự phổ biến rộng rãi của loại ngôn ngữ này trong thế giới lập trình hiện nay.

Như đã phân tích ở trên, bạn có thể làm được nhiều thứ hay ho với Javascript, từ việc tạo các chức năng tương tác, hiệu ứng, xử lý dữ liệu trên các website đến việc xây dựng các hệ thống back-end, tương tác với cơ sở dữ liệu.

Nếu dạo một vòng trên các trang tìm việc làm ngày nay, không khó để nhìn thấy những tin cần lập trình viên Javascript với mức lương rất cao.

Học Javascript dễ hay khó?

Theo thông tin mình đã tham khảo từ nhiều lập trình viên lâu năm thì Javascript tương đối dễ làm quen nhất trong số các loại ngôn ngữ kịch bản (PHP, ASP.Net, Python…) bởi nó không có quá nhiều ràng buộc trong cú pháp.

Tuy dễ làm quen nhưng Javascript vẫn khá khó để bạn có thể thành thạo trong một thời gian ngắn. Bạn cần thời gian tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, thử nghiệm mới có thể hiểu hết các đặc tính của Javascript, để từ đó có thể sử dụng nó theo ý muốn của bạn.

Đến đây, chắc hẳn các bạn đã có một cái nhìn tương đối tổng quan về Javascript rồi đấy. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay ý kiến đóng góp nào, hãy để lại bình luận bên dưới nhé, chúng mình sẽ cố gắng giải đáp sớm nhất có thể. Nếu bạn cảm thấy nội dung bài viết hay và hữu ích, hãy cho chúng mình 1 like, share hoặc đánh giá để ủng hộ tinh thần cho đội ngũ biên soạn nội dung nhé.

Chúc bạn có một ngày làm việc và học tập hiệu quả!

>> Tham Khảo : Cú pháp tổng quát và trình tự xử lý của Javascript | Series Javascript căn bản | Bài 2

Rate this post
Next Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You might also like